VỤ ÁN THÂN TRUNG HIẾU VÀ VIỆC MINH OAN CHO MỘT CỰU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát Nhân dân dân (26/7/1960-26/7/2020)

VỤ ÁN THÂN TRUNG HIẾU VÀ VIỆC MINH OAN CHO MỘT CỰU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

                                                                                    Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng

Ảnh 29: Tập thể Vụ 2A Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 1991 (LS-TS Phạm Văn Hùng đứng ở đầu hàng 2 bên trái)

HỌC NGHỀ TỪ NGƯỜI KIỂM SÁT VIÊN KỲ CỰU

Tốt nghiệp khóa X Đại học Luật Hà Nội tôi được tiếp nhận về Vụ 2A-VKSNDTC tháng 8/1990. Vụ 2A là cơ quan có chức năng  thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án kinh tế. Ngày đó Vụ 2A được chia thành 2 tổ. Tổ Phía Bắc đảm nhiệm công tác kiểm sát điều tra và tham mưu chỉ đạo án từ Quảng Bình trở ra phía Bắc. Tổ Phía Nam đảm nhiệm công tác kiểm sát điều tra và tham mưu chỉ đạo án từ Quảng Bình trở vào phía Nam. Tôi được lãnh đạo Vụ phân công về  tổ Phía Nam, trực tiếp giúp việc cho anh Nguyễn Văn Dậu làm tổ trưởng. Anh Dậu là một KSVcao cấp kỳ cựu, nhiều năm công tác ở VKSND tỉnh Đồng Tháp mới được rút về Vụ 2A. Vì là mới vào nghề nên lãnh đạo Vụ 2A giao anh Dậu kèm cặp và hướng dẫn tôi trong công tác nghiệp vụ. Những ngày đầu anh giao cho tôi nghiên cứu một số bản Kết luận điều tra và Cáo trạng của các vụ án mà Vụ 2A đã giải quyết xong để nghiên cứu, học tập cách hành văn thể hiện quan điểm của VKS. Thỉnh thoảng anh giao tôi nghiên cứu hồ sơ để tham mưu phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giam đặc biệt do VKS các tỉnh Phía Nam đề nghị. Cũng có khi anh đưa tôi vào Trại tạm giam Hỏa Lò để phúc cung bị can và cũng là làm rõ một số nội dung mà bản Kết luận của Cơ quan điều tra chưa đề cập hết. Công việc cứ thế diễn ra khá trôi chảy, được lãnh đạo Vụ đánh giá “thế là được”, xứng đáng là sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Vì mới ra trường nên tôi muốn có sự trải nghiệm được trực tiếp tham gia phá án và dịp may đã đến. Cuối năm 1990 Vụ 2A ngoài việc kiểm sát điều tra các vụ án bình thường còn được giao kiểm sát điều tra hai vụ án điểm do Liên ngành trung ương chỉ đạo (BCA-VKSNDTC-TANDTC). Tổ Phía Nam được giao kiểm sát điều tra vụ án Thân Trung Hiếu, cựu đại biểu Quốc hội Khóa VII, nguyên Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp mới bị Hội đồng Bộ trưởng cách chức. Tổ Phía Bắc được giao kiểm sát điều tra vụ án Trần Kim An, nguyên Cục trưởng Cụ dự trữ quốc gia cũng mới bị khởi tố. Anh Dậu được lãnh đạo Vụ 2A phân công kiểm sát điều tra vụ Thân Trung Hiếu và tôi là người giúp việc nên cũng được tham gia nghiên cứu tất cả các tài liệu, đề xuất quan điểm cá nhân. Sau khi bị cách chức, rất nhiều cơ quan báo chí có bài đăng tải những hành vi bị coi là sai trái của ông Thân Trung Hiếu như việc bảo lãnh gây thất thoát hàng chục tỷ đồng của Liên hiệp cung ứng lâm sản 2, việc nhận hối lộ 10 cây vàng, việc thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, chỉ đạo thuộc phạm vi Bộ trưởng đã phân công… có thể nói một cơn bão thông tin truyền thông đã đổ ập xuống đầu ông Thân Trung Hiếu và gây áp lực rất lớn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tài liệu về vụ án được chuyển về rất nhiều, thời gian cấp trên yêu cầu nghiên cứu và đề xuất quan điểm rất gấp nên nhiều hôm phải đọc cả ban đêm. Ngày đó anh Dậu và tôi tuy có nhập hộ khẩu vào hộ tập thể VKSNDTC ở số 4 Quang Trung Hà Nội nhưng chỉ là nhập để làm việc thôi chứ đâu có nhà tập thể để ở. Ban ngày mở tài liệu, hồ sơ nghiên cứu trên bàn,  đêm đến lại trải chiếu ra năm ngủ ngay trên bàn làm việc, nên  nơi ở của những người có hộ khẩu tại đây còn được gọi là “Phố Hàng Bàn”. Một số vụ khác cũng thế, lãnh đạo VKSNDTC biết nhưng cũng chấp nhận vì cơ quan còn nhiều khó khăn . Vì cùng ở “Phố Hàng Bàn” với nhau nên anh Dậu có nhiều lần trao đổi, tâm sự với tôi về công việc, nghề nghiệp và cả vấn đề người yêu nữa. Anh biết  tôi đã có người yêu là bác sỹ Đỗ Hồng Nga nên dặn lớn tuổi rồi, không nên yêu dài, thấy được là xin cưới đừng có băn khoăn về điều kiện khó khăn vì việc đó có khi phải phấn đấu cả đời mới giải quyết được. Sau khi tiếp nhận tài liệu vụ án Thân Trung Hiếu anh còn dặn vụ này phức tạp, thông tin rất đa chiều cần bảo mật và có thể hạn chế đi chơi buổi tối để tập trung cho chuyên môn. Tôi đồng ý với gợi ý của anh vì coi đây là cơ hội để mình học hỏi trực tiếp mà không giáo trình nào có ở  trường luật.

CUỘC HỌP LIÊN NGÀNH ĐẦU TIÊN ĐẦY QUYẾT LIỆT

Vụ án được khởi tố ngày 13/12/1990. Buổi công bố quyết định khởi tố vụ án được tổ chức tại Bộ Lâm nghiệp. Hôm đó phía cơ quan điều tra có Đại tá Đỗ Đình Thư, Cục trưởng C16 (Cục Cảnh sát điều tra), anh Vĩnh Điều tra viên cao cấp, Trưởng Phòng 3 và anh Hưng điều tra viên trung cấp. Phía VKSNDTC có anh Nguyễn Văn Dậu và tôi. Bộ Lâm nghiệp có Bộ trưởng Phan Xuân Đợt, ông Bảo Chánh Thanh tra Bộ, ông Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và lãnh đạo Văn phòng Bộ. Sau khi công bố quyết định khởi tố, Đại tá Đỗ Đình Thư đề nghị lãnh đạo bộ không cử những người mà CQĐT sẽ làm việc đi công tác xa. Lịch làm việc và danh sách những nười làm việc cũng được gửi cho lãnh đạo Bộ Lâm nghiệp. Đầu mối liên hệ làm việc hàng ngày với với Bộ Lâm nghiệp là ông Bảo Chánh thanh tra Bộ. Sau hôm công bố quyết định khởi tố là những buổi làm việc liên tục. Tôi được anh Dậu phân công dự tất cả các buổi làm việc của CQĐT với những người có liên quan ở Bộ Lâm nghiệp, tối về lại báo cáo với anh ở “Phố Hàng Bàn”. Tài liệu thu thập được qua các buổi làm việc thật nghèo nàn, không thể hiện được vai trò của ông Thân Trung Hiếu trong vụ án. Báo chí lại có dịp đăng tải nhiều hơn những chuyện liên quan đến ông Hiếu sau khi có quyết định khởi tố vụ án. Thời gian cứ thế trôi nhanh, rồi cái Tết cũng đến.

Một buổi tối, khoảng trung tuần tháng hai năm 1991, cuộc họp Liên ngành đầu tiên dưới sự chủ trì của ông Trần Quyết, Viện trưởng VKSNDTC được tổ chức. Thành phần phía C16 như hôm công bố quyết định của khởi tố vụ án, phía Vụ 2A có anh Lương Văn Xướng, Vụ trưởng, anh Dậu và tôi. Vì là buổi họp còn tính khai xuân nên cán bộ liên ngành gặp nhau rất vui vẻ, chúc nhau thành công trong vụ án. Mở đầu buổi họp, ông Trần Quyết yêu cầu Đại tá Đỗ Đình Thư báo cáo tiến độ điều tra vụ án và dự kiến những những việc sẽ phải làm tiếp. Sau khi anh Thư báo cáo, ông Trần Quyết hỏi Vụ 2A có ý kiến gì bổ sung không. Anh Xướng trả lời nhất trí với nội dung báo cáo của C16. Đến lượt ông Trần Quyết nêu ý kiến, kết luận. Ông nguyên là Trung tướng Công an được Trung ương phân công về làm Viện trưởng VKSNDTC nên phong cách làm việc rất dứt khoát, máu lửa. Ông tỏ ý rất không hài lòng về tiến độ điều tra vụ án và cả đề xuất những việc làm tiếp theo của C16. Ông nói vụ án này rất quan trọng, liên quan đến đối tượng do Trung ương quản lý. Báo chí ngày nào cũng đưa tin về vụ án mà sao tiến độ vấn ỳ ạch thế sao? Khởi tố vụ án đã cả tháng nay  rồi, tại sao lại không khởi tố bị can? Nếu cứ đến Bộ Lâm nghiệp làm việc bình bình như vậy làm sao có được chứng cứ buộc tội. Nên nhớ các anh đừng hy vọng những đối tượng trong vụ án này tự mình thú tội. C16 và Vụ 2A phải phối hợp có những biện pháp kiên quyết hơn nữa. C16 cần báo cáo Lãnh đạo Bộ Công An để phối hợp với các Cơ quan trinh sát, kỹ thuật để thu thập bằng được những  tài liệu , chứng cứ quan trọng  để đấy nhanh tiến độ vụ án. Vụ án Trần Kim An các anh  làm tốt thế, vụ này sao chậm chạp vậy, bao nhiêu mưu lược để đâu rồi anh Thư ơi? Cứ như thê ông Trần Quyết nói say sưa như người nhạc trưởng điều phối cả đoàn quân xung trận. Kết thúc phần phát biểu, ông nói thêm “nếu cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn, các anh cứ làm theo pháp luật rồi báo cáo sau”. Ông lại yêu cầu C16 đề xuất thêm những biện pháp có gì mới hơn không. Trời tháng giêng còn se lạnh mà không khí trong cuộc họp trong phòng cứ nóng thêm từng phút theo nhịp điệu phát biểu của ông Trần Quyêt. Ai cũng cảm thấy trách nhiệm vụ án đang đè nên vai mình nhưng có lẽ giai đoạn này C16 vẫn là bộ phận chủ công khởi sự cho tất cả. Đại tá Đỗ Đình Thư cứ ngồi bình tĩnh lắng nghe. Ông nguyên là Giám đốc Công an Hải Phòng, nay chỉ còn một con mắt cứ nháy liên tục (con mắt kia bị thương do cuộc chiến với tội phạm) như muốn nhìn xuyên thấu vào những khó khăn mà các điều tra viên đang gặp phải. Cuối cùng ông phát biểu xin tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của ông Viện trưởng VKSNDTC và hứa sẽ có biện pháp mạnh và chỉ xin một điều “nếu hai tuần sau mà không khởi tố được bị can thì chúng tôi sẽ thay toàn bộ các điều tra viên và đề nghị VKSNDTC ủng hộ cũng cần thay Kiểm sát viên để thúc đẩy tiến độ vụ án”. Buổi họp kết thúc ra về khá tĩnh lặng không sôi nổi, vui vể như lúc ban đầu.

NHŨNG CUỘC HỎI CUNG VÀ TRUY TÌM DẤU VẾT

Sau cuộc họp Liên ngành, C16 ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Thân Trung Hiều về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Anh Hưng Điều tra viên và tôi lại tiếp tục sang làm việc bên Bộ Lâm Nghiệp. Buổi hỏi cung đầu tiên đối với ông Thân Trung Hiếu với tư cách là bị can đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Hôm đó, sau khi thông báo quyết định khởi tố bị can, nhắc lại những quyền và nghĩa vụ của bị can thì bỗng nhiên ông Thân Trung Hiếu quỳ sụp xuống nền nhà, hai tay chắp nhau như người đi lễ chùa và nói rằng ông đã làm hết trách nhiệm của một người lãnh đạo được Bộ phân công, không làm điều gì tư lợi mong CQĐT và VKS làm rõ và minh oan. Anh Hưng và tôi đứng như trời trồng. Tôi đã nghiên cứu kỹ nhân thân của ông Hiếu, được biết ông là một vị tiến sĩ khoa học ở CHDC Đức, từng là ĐBQH khóa VII, hơn chúng tôi đến hai mươi tuổi mà sao nay lại phải đến nông  nỗi này. Tôi tiến đến nâng ông Hiếu lên và nói “Hôm nay chúng tôi sang đây làm việc theo công vụ, chúng tôi đâu phải Phật sống mà anh làm như vậy. Anh đã là nhà khoa học luôn tôn trọng sự thật và khách quan. Chúng tôi cũng thế, luôn tôn trọng sự thật khách quan. Anh hãy vững vàng đứng lên và trả lời đầy đủ, chính xác các câu hỏi của điều tra viên là được”. Tôi thấy khi đứng nên, hai đầu gối ông Hiếu vẫn còn run lập cập, có vẻ ông sợ thật chứ không phải là “diễn”. Buổi tối hôm đó khi về “Phố Hàng Bàn” báo cáo lại kết quả buổi hỏi cung đầu tiên và kể lại câu chuyện ông Hiếu tự quỳ lạy ở nền nhà, anh Dậu nhắc tôi “khi đối mặt với pháp luật mới biết ai là người có bản lĩnh. Đời anh đã làm nhiều án, đối với bọn tội phạm lưu manh, chuyên nghiệp, ác thủ thì chúng chẳng sợ gì cả. Vì vậy, làm nghề Kiểm sát phải cân trọng, không bao giờ được làm oan”. Tôi hiểu ý anh còn muốn rèn luyện cho tôi nhiều hơn nữa về phẩm chất người cán bộ kiểm sát thông qua các vụ án.

Cứ thế những buổi hỏi cung liên tục đối với ông Thân Trung Hiếu lại diễn ra bên Bộ Lâm Nghiệp. Sau khi khởi tố bị can, hàng tuần ông Lương Văn Xướng cho gọi anh Dậu và tôi vào phòng Vụ Trưởng để hội ý về vụ án. Câu hỏi đầu tiên bao giờ ông Xướng cũng  đặt ra cho anh Dậu là “đã có cơ sở bắt tam giam chưa”? Anh Dậu luôn trả lời, tài liệu khới tố bị can đã yếu thế, sao có thể bắt tạm giam được”. Đến một hôm, ông Xướng đi giao ban về nói rất to giữa phòng “hôm nay lãnh đạo VKSNDTC lại nhắc sao không thấy C16 và Vụ 2A đề xuất việc bắt tạm giam đối với Thân Trung Hiếu nhỉ”? Anh Dậu là người có chuyên môn vững, tính cương trực và đôi khi  nóng nảy nghe thế đã trả lời ngay ông Xướng “tôi đã nhiều lần báo cáo anh, vụ này chưa có đủ căn cứ bắt tạm giam được. Anh cứ báo cáo lại với lãnh đạo VKSNDTC là nếu ai muốn bắt tạm giam đối với Thân Trung Hiêu thì người đó cứ việc ký phê chuẩn, tôi không đề xuất và không bao giờ muốn lãnh đạo phê chuẩn”. Sau lần to tiếng đó,  không thấy ông Xướng gọi anh Dậu và tôi vào Phòng Vụ trưởng để hỏi về việc bắt tạm giam ông Thân Trung Hiếu nữa.

Vụ án có phần bế tắc về thu thập chứng cứ buộc tội. Vì vậy lãnh đạo Vụ 2A yêu cầu chúng tôi khi nghi ngờ có manh mối phải phối hợp ngay với C16 điều tra, truy xét cho hết. Một hôm ông Xướng gọi tôi vào phòng Vụ Trưởng bảo “chú dự thảo bức điện mật gửi Phòng 2A thuộc VKSND thành phố Hồ Chính Minh. Nội dung yêu cầu quá trình kiểm sát điều tra vụ án Nguyễn Hay (Tổng giám đốc Liên hiệp cung ứng lâm sản II) nếu có tài liệu nào thể hiện sự liên quan với ông Thân Trung Hiếu thì sao gửi ngay về cho Vụ 2A. Thời hạn phải báo cáo là 30 ngày”. Bức điện được soạn xong, ông Xướng sửa vài  từ rồi tôi đem sang  Phòng mật mã để chuyển điện. Hết thời hạn quy định, Phòng 2A VKSND thành phố Hồ Chí Minh báo cáo không thu thập được tài liệu nào có liên quan đến ông Thân Trung Hiếu.

Thời hạn tố tụng điều tra cứ rút ngắn từng ngày mà tài liệu thu thập được  không có gì đáng giá để thúc đẩy tiến độ vụ án. Một hướng điều tra khác được C16 và Vụ 2A thống nhất là cần xem xét tất cả các giao dịch tín dụng của Liên hiệp cung ứng lâm sản II, đơn vị thuộc quyền quản lý của ông Thân Trung Hiếu để xem có tài liệu nào liên quan đến vụ án hay không?  Thế là anh Hưng Điều tra viên của C16 và tôi được lệnh vào Quy Nhơn để làm việc với các ngân hàng nơi Liên hiệp cung ứng lâm sản II có mở tài khoản giao dịch. Kết quả tra xét cả tuần không thu được tài liệu buộc tội mà lại có cả đống tài liệu, chứng cứ gỡ tội cho ông Thân Trung Hiếu. Cụ thể những tài liệu thu thập được rất giống tài liệu thể hiện hành vi của ông Thân Trung Hiếu bị khởi tố nhưng tài liệu này lại thể hiện trách nhiệm của ông Nguyễn Hữu Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Lâm Nghiệp đã được chuyển sang làm Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Mát-xcơ-va. Ngày đó chưa có điện thoại di động nên tôi vào trụ sở VKSND Bình Định nhờ gọi điện báo cáo nhanh với anh Dậu về những tài liệu mới thu thập được. Anh Dậu nói “tốt” và bảo không nói dài qua điện thoại nữa, nên ra Hà Nội gấp vì tổ Phía Nam còn một số vụ án khác nữa. Trước khi rời Quy Nhơn tôi mượn xe máy và mời anh Hưng về thăm quê hương của cha người yêu tôi ở thị trấn Bình Dương cách Quy Nhơn khoảng 70 km. Buổi gặp mặt đầu tiên với gia tộc nhà người yêu rất thân thiện, đầm ấm. Chúng tôi được Chú Bảy (em ruột cha vợ tương lai của tôi) thết đãi món ốc bươu vàng nấu chuối, uống bia rất đã. Trước khi chia tay, em Đỗ Hạnh con chú Bảy còn gửi tặng chúng tôi một quả mít to tướng, khi về khách sạn phải mời cả bộ phận lễ tân, nhà bếp mới ăn hết coi như liên hoan tạm biệt Bình Định.

LÀM VIỆC VỚI CÁC NHÀ BÁO

Tài liệu thu thập được qua chuyến đi Bình Định được lãnh đạo liên ngành đánh giá rất có ý nghĩa đối với vụ án. Tuy nhiên việc mời ông Nguyễn Hữu Quang về để điều tra không phải dễ dàng, do tình hình Liên Xô và Đông Âu lúc đó đang rối loạn trước nguy cơ đỗ vỡ cả hệ thống. Ông Quang trả lời qua con đường văn thư, thông báo trong nước yêu cầu phải thường xuyên trực ở sứ quán để nắm tình hình báo cáo kịp thời về nước. Cuối cùng Lãnh đạo Bộ Công an thông qua con đường ngoại giao cũng đã  mời được ông  Nguyễn Hữu Quang về nước. Những buổi làm việc của C16 với ông Nguyễn Hữu Quang tôi không được dự nhưng trong một buổi họp liên ngành được anh Phạm Tâm Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông báo lại là việc xác minh các tài liệu liên quan đến ông Quang đã xong và chỉ có giá trị cho việc gỡ tội đối với ông Thân Trung Hiếu.

Thời hạn điều tra theo tố tụng đã gần hết. Bây giờ chỉ còn một manh mối cuối cùng là phải dựa vào các phòng viên nhà báo, những người biết sự việc, viết bài đăng báo. Lãnh đạo liên ngành giao cho Vụ 2A đảm trách mảng cuối cùng này. Tôi đã dự thảo một kế hoạch cụ thể, mỗi ngày làm việc với một báo, thời gian dự kiến mười ngày. Anh Dậu với tư cách là kiểm sát viên cao cấp ký công văn mời các nhà báo và yêu cầu các cơ quan báo chí không phân công các phóng viên đi công tác xa khi nhận nhận được giấy mời. Tại phòng họp Vụ 2A, lần lượt các nhà báo đến đúng thời gian theo kế hoạch (bao gồm các phóng viên của Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Lao Động, Báo Nhà báo và Công luận…). Anh Dậu là người đặt câu hỏi, tôi là người ghi biên bản làm việc, ghi đầy đủ, chính xác các câu trả lời. Các nhà báo có vẻ lo lắng vì không trình ra được các tài liệu gốc hoặc tài liệu có liên quan đến bài viết về hành vi sai trái của ông Thân Trung Hiếu. Anh Dậu thường phải động viên các nhà báo rất nhiều, bày tỏ sự thông cảm với khó khăn của báo chí và nói rõ nếu báo chí có sơ suất thì VKSNDTC  cũng chỉ nhắc nhở rút kinh nghiệm chứ mấy khi xử lý báo chí nào đâu. Nghe được sự đồng cảm của anh Dậu, các nhà báo đã nói rất đầy đủ, họ chỉ căn cứ váo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng cách chức thứ trưởng đối với ông Thân Trung Hiếu hoặc căn cứ vào nguồn tin  mâu thuẫn nội bộ của Bộ Lâm nghiệp nhưng chưa được kiểm chứng. Có nhà báo còn nói một phần do áp lực của “sếp”, mình phụ trách chuyên trang, chuyên mục trong khi báo bạn đưa tin, viết bài mà báo mình không nên tiếng không được đành phải lấy bài đã đăng trên báo bạn  rồi “xào xáo lại” đăng trên báo mình. Kết quả làm việc với các nhà báo chỉ là con số không tròn chĩnh. Không một tài liệu gốc nào được nhà báo nộp cho VKSNDTC.

Hố sơ vụ án đã khép lại, ông Trần Quyết đã họp liên ngành trung ương và thống nhất đình chỉ vụ án vì không có tội phạm xảy ra. Những sai sót của ông Thân Trung Hiếu đã bị xử lý kỷ luật hành chính là thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bộ trưởng và không phải là áp lực buộc các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý hình sự. Quyết định của Viện trưởng VKSNDTC đã minh oan cho một nhà khoa học, một cựu Đại biểu Quốc hội và mang lại tiếng thơm cho ngành kiểm sát nhận dân, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ đối với ngành kiểm sát là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Vụ án này sau phải báo cáo trước Quốc hội và Viện trưởng VKSNDTC phải trả lời nhiều chất vấn của ĐBQH. Nhiều nhà báo tiếp tục phỏng vấn và ông Trần Quyết đã trả lời là vụ án đã báo cáo Quốc hội, được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Nếu Quốc hội chưa tin thì có thể lập Đoàn thanh tra đặc biệt, ông sẵn sàng chịu kỷ luật, sẵn sàng thôi đại biểu Quốc hội, sẵn sàng từ bỏ chức Viện trưởng VKSNDTC nếu có sai sót trong xử lý vụ việc. Ông còn nói thêm “nếu báo chí tiếp tục đăng tải bài viết mà không có tài liệu chứng minh, viết với động cơ ác tâm thì VKSNDTC sẽ xử lý nghiêm nhà báo”. Sau đó báo chí không đăng tải về vụ án Thân Trung Hiếu nữa.

Một năm vào nghề đầy sôi động. Tôi thật vinh dự và tự hào được làm việc cùng với các Kiểm sát viên, Điều tra viên kỳ cựu, có chuyên môn nghiệp vụ sâu và lương tâm nghề nghiệp. Giờ đây tôi cũng xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến các vị lãnh đạo liên ngành đã chỉ đạo sáng suốt, luôn luôn thể hiện tinh thần tấn công tội phạm nhưng cũng sẵn lòng lắng nghe cấp dưới trong quá trình xử lý vụ án này (Ông Trần Quyết, Viện trưởng VKSNDTC, ông Phạm Tâm Long, Thứ trưởng Bộ Công An, ông Phạm Hưng, Chánh án TANDTC). Tổng kết công tác năm 1991 ở Vụ 2A chỉ có tổ Phía Bắc được khen vì đã truy tố được Trần Kim An “vào lò”, còn tổ Phía Nam không được biểu dương vì để “án thối” nhưng chúng tôi vẫn vui vì đã đóng góp một phần nhỏ để không làm oan người vô tội.

Ngày 29/12/1991 tôi tổ chức lễ thành hôn với bác sỹ  Đỗ Hồng Nga. Hôn lễ được tổ chức vào buổi tối tại Hội trường tầng 4, trụ sở VKSNDTC số 4 Quang Trung, chỉ có nước trà, thuốc lá, bánh kẹo. Cơ quan đã tặng tôi một chuyến xe to để đưa đón người thân và cho mượn chiếc xe con Lada là xe riêng của Phó Viện trưởng VKS NDTC để chở cô dâu chú rể. Vụ 2A đã tổ chức đón tiếp người gia đình tôi rất chu đảo, thân thiện. Chủ hôn lễ hôm đó là Bí thư chi đoàn Trần Công Phàn (nay là Phó Viện Trưởng VKSNDTC). Anh Lương Văn Xướng Vụ trưởng Vụ 2A lại một lần nữa giúp tôi làm trưởng đoàn nhà trai đến xin dâu. Đến năm 1993 tôi được điều động về Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, trực tiếp phục vụ ủy ban Pháp luật do anh Hà Mạnh Trí Phó Viện trưởng VKSNDTC được Trung ương phân công về làm Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội. Ba mươi năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm không quên về ngành kiểm sát, về những con người trung thực, tận tâm vì công việc, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.

Hà Nội, ngày 25/7/2020  

Văn phòng luật sư phạm gia quan nhân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *