QUYỀN BẦU CỬ VÀ VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN BẦU CỬ CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

 

 QUYỀN BẦU CỬ VÀ VIỆC THỰC HIỆN

QUYỀN BẦU CỬ CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Nhiều bạn đọc hỏi Văn phòng luật sư Phạm Gia Quan Nhân rằng: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được ấn định là Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Vậy người bị tạm giữ, tạm giam có được thực hiện quyền bầu cử hay không? Nếu có thì cơ chế thực hiện như thế nào?

Về vấn đề này, Văn phòng luật sư Phạm Gia Quan Nhân xin được trả lời như sau:

Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo khoa học ngày 7/12/2011.

Quyền bầu cử luôn là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân. Đây là chỉ dấu quan trọng nhất của một quốc gia độc lập có chủ quyền. Việc thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền bầu cử phản ánh bản chất của nền dân chủ. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân ta đã được thực hiện quyền bầu cử với việc tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc Hội đầu tiên của nước ta vào ngày 06/01/1946. Kể từ đó đến nay, quyền bầu cử của công dân nước ta đã được thực hiện nhiều lần  trong khuôn khổ của Hiến pháp và các đạo luật về về bầu cử. Quyền bầu cử  ở đây được hiểu là quyền bầu cử vào các cơ quan quyền lực bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Hiến pháp năm 1993 tiếp tục kế thừa quyền bầu cử, ứng cử của công dân nước tra trong tất cả các bản Hiế pháp trước đó và khẳng định” Công dân đủ  mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc Hội, Hội đồng nhân dân”.

Quyền bầu cử cho phép công dân được trực tiếp bằng lá phiếu của mình để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật làm đại biểu, thay mặt mình tham gia hoạt động đời sống chính trị của đất nước tại Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Để đảm bảo thực hiện quyền bầu cử, Hiến pháp năm 1993 còn quy định những nguyên tắc cơ bản của việc bầu cử, theo đó “Việc bầu cử đại biểu Quốc Hội vả đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. Đây chính là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đối với toàn bộ quá trình tổ chức bầu cử, thể hiện bản chất dân chủ của nhà nước ta.

Một vấn đề được quan tâm trong lĩnh vực tư pháp hình sự là những người bị tạm giữ, tạm giam có được thực hiện quyền bầu cử hay không? Cơ chế thực hiện như thế nào? Tạm giữ, tạm giam là những biện pháp ngăn chặn mà các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng để phục vụ cho hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Theo quy định tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013 thì “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy người bị tạm giữ, tạm giam chưa phải là người có bản án có hiệu lực pháp luật, chưa bị tuyên tước quyền bầu cử, Liên quan đến quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam cần phải tham chiếu quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc Hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định những trường hợp bị hạn chế quyền bầu cử cũng là những người không được ghi tên vào danh sách cử tri, bao gồm:

“Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi vào danh sách cử tri”.

“Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri”.

Như vây, người bị tạm giữ, tạm giam không phải là những người bị hạn chế quyền bầu cử. Họ được thực hiện quyền bầu cử như Hiến pháp đã quy định. Thể hiện quyền này, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định người bị tạm giữ, tạm giam “được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Nhưng họ lại là người bị hạn chế tự do đi lại, phải ở trong nhà tạm giữ, trại tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra thì thực hiện quyền bầu cử như thế nào? Về vấn đề này, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã có những quy định cụ thể:

-Tại khoản 5 Điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ…được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ…”

– Tại khoản 4 Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: “…Đối với cử tri đang bị tạm giam…không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến trại tạm giam, nhà tạm giữ…để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử”.

Để đảm bảo cho quyền bầu cử được thi hành nghiêm chỉnh trong toàn xã hội, trừng trị những hành vi xâm phạm quyền bầu của công dân, trong đó có người bị tạm giữ, tạm giam thì cần phải có chế tài nghiêm khắc nhất. Bộ luật Hình sự còn quy định ở Điều 160 tội “xâm phạm quyền công dân về bầu cử, ứng cử hoặc biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân” theo đó người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép, cản trở công dân thực hiện quyền bầu cử…thì sẽ áp dụng hình phạt tù cao nhất đến 02 năm.

Như vậy, hệ thống pháp luật nước ta từ Hiến pháp cho đến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Bộ luật hình sự  đã quy định thống nhất cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền bầu cử của người bị tạm giữ, tạm giam.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đang đến gần. Văn phòng luật sư Phạm Gia Quan Nhân chúc các cử tri đi bầu cử đầy đủ và nhớ thực hiện 5K phòng chống dịch Covid có hiệu quả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *