KÝ SỰ VĂN PHÒNG LUẬT SƯ
PHẠM GIA QUAN NHÂN VỚI CHUYẾN ĐI XUYÊN VIỆT
Để chào mừng kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần nâng cao hiểu biết về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tăng cường sự gắn kết các cộng đồng lao động, từ ngày 5 đến 15/4/2021, Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân đã tổ chức chuyến đi xuyên Việt từ thủ đô Hà Nội đến thành phố Đà Nẵng.
Ảnh 1: VPLS Phạm Gia Quan Nhân tạm đóng cửa trong thời gian đi xuyên Việt
Tham quan thành phố Đà Nẵng,
Đoàn công tác của Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân đã tham quan bán đảo Sơn Trà, lên đỉnh Bàn Cờ, vãng cảnh chùa Linh Ứng, tham quan các cây cầu lớn bắc qua Sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu Quay Sông Hàn, Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. thăm quan bãi biển Mỹ Khê. Trong khu vực nội thành dọc Sông Hàn, Đoàn đã tham quan Hotel Novotel 37 tầng số 36 đường Bạch Đằng, thăm Trung tâm Hành chính tại Tòa nhà hình trái bắp cao 34 tầng tại số 24 đường Trần Phú, thăm tòa nhà Plaza DaNang cao 24 tầng tại số 16 đường Trần Phú. Cảm nhận chung của Đoàn về Đà Nẵng là thành phố có quy hoạch hiện đại, sạch sẽ, khí hậu trong lành, con người thân thiện, các dịch công cũng như dịch vụ tư nhân rất thuận lợi cho người dân và đặc biệt giá cả sinh hoạt rất phải chăng. Lúc bình minh đi bộ dọc phố Bạch Đằng ven Sông Hàn mới thấy hết sự yên tĩnh đẹp đến lạ thường của Đà Nẵng. Đó là thành phố thanh bình, còn nhiều tiềm năng phát triển và thật sự là một trong những thành phố đáng sống nhất ở Việt Nam.
Ảnh 2: Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng “học” đánh cờ trên đỉnh Bàn Cờ thuộc bán đảo Sơn Trà Đà Nẵng
Ảnh 3: Bình mình ven Sông Hàn Đà Nẵng yên tĩnh đến lạ thường
Ảnh 4: Bức tượng Quan Âm Bồ Tát tại chùa Linh Ứng lớn nhất Việt Nam (cao 67 m, đường kính bệ sen 35 m)
“Seo phì” trên đỉnh Đèo Hải Vân
Trên đỉnh Đèo Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế còn lưu giữ được di tích của Hải Vân Quan là một ải được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn để kiểm soát người dân qua lại trên “con đường Thiên Lý từ Huế vào Đà Nẵng. Tại đây, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân – Luật sư, Tiến sỹ Phạm Văn Hùng đã bồi hồi xúc động nhớ lại sự kiện cách đây 43 năm. Năm 1978 khi còn trong quân ngũ, trên đường lái xe tham gia phục vụ chiến dịch Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, ông đã bị nổ lốp trên đỉnh đèo và một mình sửa chữa thay lốp để tiếp tục bám theo đội hình đi chiến dịch. Nay được tự mình lái xe thăm lại nơi này ông đã kể lại với phu nhân về câu chuyện thật hào hứng và luôn tự hào về một thời của tuổi trẻ của mình đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ trên đỉnh Đèo Hải Vân có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Đà Nẵng rất đẹp bên bờ biển trong xanh và đó là cơ hội cho các thành viên Đoàn công tác của Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân được thoải mái “Seo phì” (Selfie) để ghi lại những bức ảnh sống động về một địa danh vô cùng đẹp đẽ gắn liền với lịch sử dân tộc, với các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có sự tham gia của Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân.
Nhìn qua Ải Vân Quan phía Nam là toàn cảnh thành phố Đà Nẵng
Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng và Phu nhân chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh Đèo Hải Vân
“Seo phì” bên chiếc loa khủng 500 W, đường kính 1,7 m tại sân Nhà Trưng bày và tuyến 17 và Khát vọng Thống nhất” tại phía Bắc cầu Hiền Lương
Hoài niệm trên cầu Hiền Lương
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Trước đây phía Bắc cầu Hiến Lương thuộc tỉnh Vĩnh Linh, Phía Nam cầu Hiến Lương thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau năm 1975 cả phía Bắc và Phía Nam cầu Hiền Lương đều được điều chỉnh địa giới hành chính thuộc tỉnh Quang Trị. Cầu Hiến Lương ngày nay được phục chế theo nguyên mẫu là di tích lịch sử gắn liền với cuộc chia cắt hai miền Nam-Bắc hơn hai mươi năm. Theo Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết năm 1954, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền Nam – Bắc, lấy vĩ tuyễn 17 qua sông Bến Hải là điểm giao cắt. Thực thi hiệp định, hàng vạn cán bộ chiến sỹ Miền Nam tập kế ra Miền Bắc (trong đó có cha của bác sỹ Đỗ Thị Hồng Nga, phu nhân của Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân – Luật sư, Tiến sỹ Phạm Văn Hùng) để chờ hai năm thực hiện Tổng tuyển cử. Nhưng do sự phá hoại của các thế lực thù địch phải 21 năm sau với cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975, nước nhà mới được độc lập, thống nhất. Tại cụm di tích cầu Hiến Lương các thành viên của Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân đã thăm quan “Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhât”, đi dạo trên cầu Hiến Lương, tham quan cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở đầu cầu Phía Nam và Cột cờ giới tuyến ở đầu cầu Phía Bắc.
Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng và Phu nhân chụp ảnh lưu niệm bên cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở phía nam cầu Hiền Lương
Bác sỹ Đỗ Thị Hồng Nga (Phụ nhân Luật sư – Tiến sỹ Phạm Văn Hùng) đi dạo trên cầu Hiền Lương
Cảm nhận về Đèo Ngang
Đèo Ngang là đèo nằm ở dọc Quốc lộ 1A nối hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nói đến Đèo Ngang không mấy ai không nhớ bài thơ nổi tiếng “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan:
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, là chen hoa.
Lơ thơ dưới núi, tiều vài chú
Lác đác ven sông, rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng, cái da da.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta ».
Từ phía Nam ra, do đi sai đường, Đoàn công tác của Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân không đi lên Đèo Ngang mà rẽ vào hầm Đèo Ngang nên chẳng ngắm được gì như Bà Huyện Thanh Quan đã viết cách đây hơn 170 năm. Tuy nhiên qua Đèo Ngang về phía Bắc khoảng 2 km, các thành viên của Đoàn công tác lại vô cùng ngạc nhiên được thưởng lãm vẻ đẹp kiêu sa, huyền ảo của bãi biển Hoành Sơn thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Từ bãi biển này nhìn lên Đèo Ngang thì vô cùng đẹp, nước biển trong xanh, sóng vỗ nhẹ, các ghềnh được phủ rêu xanh trong ánh hoàng hôn vàng nhạt thật quyến rũ. Chỉ tiếc là do dịch Covid và ảnh hưởng sang chấn của vụ nước thải từ Formosa nên bãi biển vắng tanh không một bóng người. Bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan chắc còn có ý tứ sâu xa hơn về vẻ đẹp của « trời, non, nước » nơi đây chứ không chỉ thuần túy là nỗi buồn sâu thẳm của nữ sỹ. Đoàn công tác của Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân ai cũng mong muốn đất nước sớm trở về trạng thái bình thường hết dịch Covid để bãi biển nơi đây trở thành miền trù phú nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân biển và dâng hiến cho nhiều lữ khách được thưởng lãm một sản phẩm du lịch có một không hai của Miền Trung.
Bác sỹ Đỗ Thị Hồng Nga (Phụ nhân Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng) tại ghềnh đá bãi biển Hoành Sơn, xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng và Phu nhân “seo phì” tại bãi biển Hoành Sơn thuộc xã Kỳ Nam, Kỳ Anh, Hà Tĩnh (cách phía Bắc chân Đèo Ngang 2 km)
“Seo phì” ở Suối Mọoc, Quảng Bình
Tham quan Suối Mọoc,
May mắn được múa cùng bướm trắng kỳ thú
Tại Quảng Bình, Đoàn công tác của Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân đã tham quan Suối Mọoc, một địa điểm thư giãn cho lữ khách trên đường vào khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Tại con suối này có đường dẫn bằng gỗ hoặc tre, luồng cho du khách tham quan, check in để thỏa mãn sự đam mê khám phá những vẻ đẹp huyền ảo của nước xanh màu ngọc bích giữa núi đá vôi và hoa lá, cây cỏ trong rừng. Một thành viên trong Đoàn đã phải thốt lên « thật chẳng khác gì tiểu Cửu Trai Câu mà Đoàn đã từng tham quan bên China ». Các dịch vụ vui chơi giải trí ở đây luôn sẵn sàng phục vụ quý khách như chèo thuyền Kayak, đua bơi, đu dây…Mẹ thiên nhiên quả đã ban tặng cho người Quảng Bình nơi đây một món quà vô cùng quý hiếm ẩn mình giữa chốn rừng xanh.
Trên đường tạm biệt Suối Mọoc, Đoàn Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân thật may mắn được gặp hàng vạn những con bướm trắng bay rợp trời như cùng tấu lên bản nhạc du dương chào mừng lữ khách rồi lại đậu xuống thành từng đám ken nhau dày đặc mang lại cảm hứng kỳ thú bậc nhất cho con người nơi đây.Bác sỹ Đỗ Thị Hồng Nga, một thành viên của Đoàn không cầm được lòng, yêu cầu dừng xe lại để thực hiện màn múa cùng đàn bướm, để lại dấu ấn khó quên cho cả chuyến đi. Cảm ơn Quảng Bình, cảm ơn Mẹ thiên nhiên đã mang lại cho Đoàn Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân những giây phút tuyệt vời.
Hàng vạn còn bướm trắng tại khu Suối Mọọc, Quảng Bình bay lượn như chào đón Bác sỹ Đỗ Thị Hồng Nga (Phụ nhân Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng)
Thành phố Hoa Thanh Quế,
nơi chứng kiến cuộc hội ngộ của các luật sư
Tại thành phố Thanh Hóa mà nhiều người gọi vui là « Hoa Thanh Quế » đã có cuộc gặp mặt giữa Đoàn Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân và Đoàn Văn phòng Luật sư Lê Quốc Hiền. Luật sư Lê Quốc Hiền, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa là bạn học cùng lớp ở Trường Đại học với Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng. Cách đây 31 năm, Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng là Lớp trưởng Lớp Luật Kinh tế 10 A, còn Luật sư Lê Quốc Hiền là Lớp phó. Hai luật sư-hai người bạn tri âm sau nhiều năm xa cách nay gặp nhau để thăm hỏi, trao đổi, học tập kinh nghiệm cùng nhau. Nhìn những tập hồ sơ án được xếp chật cứng trên các ngăn tủ, mặt bàn của Văn phòng đủ thấy sức làm việc của Luật sư Lê Quốc Hiền và cộng sự. Thời gian cuộc gặp mặt chỉ được khoảng một giờ là phải chia tay để Đoàn Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân đi tiếp cung đường cuối trở về Hà Nội. Tạm biệt Văn phòng Luật sư Lê Quốc Hiền, chúng tôi đem về tấm lòng ưu ái của Luật sư Lê Quốc Hiền và cả túi quà tặng nem chua nức mùi “Hoa Thanh Quế”.
Về đến trụ sở Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân tại Hà Nội vừa đúng thì những giò phong lan kiều vàng nở hoa thật đẹp. Chúc mọi người được an lành trong kỳ nghỉ 30/4 và 1/5. Chúc cho tình cảm hữu nghị giữa Văn phòng Luật sư Phạm Gia Quan Nhân và Văn phòng Luật sư Lê Quốc Hiền mãi mãi bền chặt.
Đôi bạn trị âm: Luật sư-Tiến sỹ Phạm Văn Hùng và Luật sư Lê Quốc Hiền tại thành phố “Hoa Thanh Quế”
Về Trụ sở VPLS Phạm Gia Quan Nhân chỉ có chú Jol trung thành ra Chào đón
Về Hà Nội vừa đúng thì lan nở.
PV Hồng Hạnh